jump to navigation

1.1.Tiền giấy chỉ là một loại tem phiếu đặc biệt 04/02/2010

Posted by nguyencaodung in 1.1. Tiền giấy chỉ là một loại tem phiếu đặc biệt.
Tags: , , ,
trackback

1.1.Tiền giấy chỉ là một loại tem phiếu đặc biệt

Xét trong nền kinh tế sử dụng tem phiếu trước đây, mỗi một loại tem phiếu sẽ được phát hành tương ứng cho mỗi loại hàng hoá. Trên tem phiếu ghi rõ số lượng hàng hoá và loại hàng hoá mà nó đại diện. Người sở hữu tem phiếu đó sẽ được nhận số lượng và loại hàng hoá tương ứng ghi trên tem phiếu. Càng có nhiều tem phiếu thì người đó sẽ càng có cơ hội nhận được nhiều số lượng và nhiều loại hàng hoá. Mọi người sau khi nhận được hàng thì tem phiếu sẽ được huỷ (xé) đi. Việc huỷ đi như vậy sẽ tạo nên sự lãng phí và tốn kém cho xã hội, rất nhiều loại tem phiếu được phát hành ra và sau đó lại bị huỷ đi sau khi mọi người nhận được hàng hoá. Chúng ta có thể cải tiến các tem phiếu này để có thể tái sử dụng lại để tránh gây ra sự lãng phí cho xã hội.

Số hoá các loại tem phiếu

Các tem phiếu được phát hành tương ứng với từng loại sản phẩm, hàng hoá được đem đi phân phối.

Số lượng từng loại tem phiếu được phát hành tương ứng với khối lượng từng loại hàng hoá được đem đi phân phối.

Các tem phiếu được phát hành ra khi có được hàng hoá trong xã hội, và tem phiếu được phân chia cho các thành viên và tổ chức trong xã hội.

Trong xã hội có các loại hàng hoá         : A, B, C, D, E, F,….

với các khối lượng                                : Ma, Mb, Mc, Md, Me, Mf,…

Ta làm theo từng bước sau :

…… xem tiếp

.

Sách ‘Giải pháp mới cho vấn đề lạm phát’ nay đã được xuất bản, bạn vui lòng tìm xem thêm chi tiết trong sách nhé.

Sách hiện đang có mặt tại hệ thống nhà sách Nguyễn Văn Cừ tại TP.HCM và các tỉnh thành khác trên cả nước. Giá bán: 30.000 đồng.

biasach_giaiphapmoi_chovande_lamphat_2

Đây là một quyển sách hay và giải quyết triệt để bài toán lạm phát, và qua đó tạo ra được một nguồn vốn lưu động gần như không giới hạn cho các doanh nghiệp thương mại.

.

  • Sách xuất bản trên Amazon (phiên bản tiếng Anh)

  • Sách xuất bản trên Amazon (phiên bản tiếng Việt)

—————————-

Next:

1.2. Vì sao có lạm phát

.

—————————-

Xem thêm:

Tem phiếu là dạng sơ khai ban đầu của tiền giấy

Tại sao tiền giấy không cần có giá trị thực

Sự khác nhau giữa tiền giấy và các loại tiền khác

Tiền giấy bản vị hàng hóa chung và tiền giấy bất khả hoán

Bộ sưu tập tem phiếu thời bao cấp [Trang bên ngoài]

Tem phiếu – ký ức một thời – Một thời bi tráng [Trang bên ngoài]

.

—————————-

Tags: , , ,

XEM BÌNH LUẬN- PHẢN HỒI

.

Bình luận»

1. dash - 16/03/2010

Cảm ơn tác giả đã làm sáng bước hình thành và phát triển của tiền giấy.

nguyencaodung - 16/03/2010

Chào bạn Dash,
Cám ơn bạn đã phản hồi, đó là những lời động viên, góp ý và cổ vũ tinh thần to lớn đối với chúng tôi.
Khi nhận ra được bản chất của vấn đề, ta thấy rằng giữa tiền giấy và tiền vàng là hai thực thể có bản chất hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng và xem chúng tương đương nhau. Tiền là một loại hàng hàng hoá đặc biệt, điều đó chỉ có thể áp dụng được đối với tiền vàng, bạc,… nhưng không thể áp dụng được đối với tiền giấy, để từ đó chúng ta có được cách ứng xử phù hợp hơn đối với tiền giấy, và việc giải quyết vấn đề lạm phát, hay thiểu phát sẽ nằm trong khả năng và tầm tay của chúng ta.
Thân.

2. Tran Huu Nghia - 02/04/2010

Tình cờ đọc quyển sách Chiến tranh tiền tệ, mình càng muốn tìm hiểu sâu hơn sự phức tạp của tiền: phát hành, lưu thông, công cụ để thôn tính một quốc gia…
Cảm ơn bạn đã chia sẽ một cách đơn giản vấn đề khá phức tạp. Rất mong được đọc nhiều bài viết khác của bạn liên quan đến tiền.

nguyencaodung - 02/04/2010

Cám ơn bạn Tran Huu Nghia đã phản hồi. Khi xác định được tiền tệ (tiền giấy) chỉ là một loại tem phiếu đặc biệt thì vấn đề tiền tệ trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn. Bạn có thể xem các bài viết khác của tôi về tiền trong trang web này.
Thân.

3. Nguyên - 25/05/2010

Mình muốn hỏi, tại sao tiền giấy lại ko có giá trị thực ? có thể giải thích cho mình được ko? cám ơn nhé

nguyencaodung - 25/05/2010

Chào bạn Nguyên,
Trong quá trình lưu thông trao đổi hàng hoá, lúc đầu tiền tệ xuất hiện dưới hình thức vàng thoi, bạc nén. Trong quá trình lưu thông trao đổi, tiền vàng, bạc bị hao mòn dần và mất một phần giá trị của nó, nhưng nó vẫn được xã hội chấp nhận như tiền vàng, bạc đủ giá trị. Như vậy, giá trị thực của tiền đã tách rời khỏi giá trị danh nghĩa của nó. Sở dĩ có tình trạng này vì tiền làm phương tiện trao đổi chỉ đóng vai trò trong chốc lát, người ta đổi hàng lấy tiền rồi lại dùng tiền để mua hàng mà mình cần.
Làm phương tiện trao đổi, tiền không nhất thiết phải có đầy đủ giá trị. Lợi dụng tình hình đó, khi đúc tiền nhà nước tìm cách giảm bớt hàm lượng kim loại của đơn vị tiền tệ. Giá trị thực của tiền đúc ngày càng thấp so với giá trị danh nghĩa của nó. Thực tiễn đó dẫn đến sự ra đời của tiền giấy. Bản thân tiền giấy không có giá trị mà chỉ là dấu hiệu của giá trị và được công nhận trong phạm vi quốc gia. Vào thế kỷ 18, các nước Châu Âu đã nỗ lực phát hành tiền giấy nhằm loại bỏ những khó khăn về tài chính nhà nước. Tuy nhiên, khi chính phủ lâm vào tình trạng nợ nần vì các cuộc chiến tranh phát sinh, cộng vào đó là việc phát hành hàng loạt các loại giấy bạc với một lượng lớn nhằm bù đắp cán cân tài chính đã làm cho giấy bạc này mất giá trị. Việc đưa quá nhiều tiền giấy vào lưu thông đã gây ra lạm phát, một điều rất có hại cho nền kinh tế của một quốc gia. Do các vấn đề nầy mà dần dần người sử dụng tiền giấy mất lòng tin về nó, không còn thích sử dụng nó nữa.
Giá trị thực của tiền giấy thấp hơn rất nhiều so với giá trị danh nghĩa mà nó đại diện, giá trị sử dụng của nó được quy định trong luật là phương tiện trao đổi, mọi người sử dụng tiền giấy dựa trên sự tín nhiệm vào ngân hàng trung ương. Tổng số tiền trong lưu thông phản ánh sự phân chia của sản phẩm quốc gia: Lượng tiền mà một người sở hữu tương ứng với lượng sản phẩm quốc gia mà người đó có thể có khi tiêu dùng lượng tiền đó của mình. Sự phát triển tiền tệ từ kỷ nguyên tiền kim loại đến thời kỳ tiền giấy loại bỏ tiền kim loại là sự phát triển mới về chất và đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới.
Thân.

4. Bùi Ngọc Tình - 18/06/2010

Tôi là dân kỹ thuật, nhưng tôi đam mê kinh tế, từ trước tới nay khi tôi tìm hiểu về kinh tế và tiền tệ nhưng vẫn mơ hồ lắm. Hôm nay sau khi đọc được bài của anh Dũng tôi thấy có sự khác biệt bởi cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề rất dễ hiểu và hiểu đúng bản chất. Chân thành cám ơn anh Dũng. Tôi hy vọng sẽ có được những kiến thức bổ ích từ những bài viết của anh. Chân thành cám ơn.

nguyencaodung - 18/06/2010

Chào bạn Bùi Ngọc Tình,
Cám ơn bạn đã phản hồi và có lời khen ngợi, hy vọng những bài viết của tôi trong trang web blog này sẽ giúp ích cho bạn.
Thân.

5. Nguyễn Xuân Nam - 07/09/2010

Mình muốn biết tiền giấy có sự khác biệt như thế nào so với các loại tiền khác.

nguyencaodung - 09/09/2010

Chào bạn Nguyễn Xuân Nam,

Để biết được sự khác nhau giữa tiền giấy và các lọai tiền khác, chúng ta cần điểm qua sơ lược vài nét về lịch sử phát triển tiền tệ:

Từ rất sớm trong lịch sử loài người đã xuất hiện nhu cầu phải có một hình thức tiền tệ làm trung gian trao đổi. Thổ dân ở các bờ biển châu Á, châu Phi, trước đây đã dùng vỏ sò, vỏ ốc làm tiền tệ. Lúa mì và đại mạch được sử dụng ở vùng Lưỡng Hà, gạo được dùng ở quần đảo Philippines, trước Công nguyên, ở Trung Quốc kê và lụa được sử dụng làm tiền tệ…
Dùng tiền tệ bằng hàng hoá như trên có những bất tiện nhất định trong quá trình phục vụ trao đổi, như dễ hư hỏng, không đồng nhất,… nên không được mọi người mọi nơi chấp nhận, do đó dẫn đến việc sử dụng tiền tệ bằng kim loại. Dần dần mọi người thống nhất với nhau dùng các lọai kim lọai quý như vàng bạc để làm tiền tệ. Nhưng số lượng các kim lọai quý như vàng bạc không có nhiều so với nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng tăng của mọi người, từ đó đã dẫn đến sự ra đời và phát triển của tiền giấy.
Lúc đầu tiền giấy được bảo chứng bằng vàng, bạc, giá trị của tiền giấy hình thành từ trị giá vật đối ứng (như vàng, bạc,…được ký gởi ở ngân hàng) mà tiền giấy đại diện cho chúng. Tiền giấy được mô tả là loại tiền tệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, do các chính phủ đã lạm dụng phát hành đưa ra quá nhiều tiền giấy vào lưu thông nên đã gây ra lạm phát. Do các vấn đề này mà dần dần người sử dụng tiền giấy mất lòng tin về nó, không còn thích sử dụng tiền giấy nữa.
Vì vậy, ngày nay để đảm bảo giá trị của tiền giấy, thì giá trị của tiền giấy cần phải được hình thành và bảo đảm bằng giá trị của vật đối chứng, bằng giá trị các loại vật tư hàng hóa (trong đó có vàng, bạc,..) hiện có được trên thị trường (tại các DNTM).

Tiền vàng, bạc là loại hàng hoá đặc biệt, tự nó đảm bảo giá trị cho chính nó, tiền vàng, bạc tự nó có thể mua được chính nó, vì vậy việc phát hành tiền kim loại vàng, bạc nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không gây ra lạm phát.
Tiền giấy là một loại tem phiếu đặc biệt, một loại giấy nợ đặc biệt của xã hội (các DNTM) đối với những người sở hữu nó. Ai có được tiền giấy, người đó có quyền yêu cầu xã hội (các DNTM) đưa lại (trả lại) bằng những sản phẩm hàng hoá cụ thể có giá trị tương ứng với con số giá trị được ghi trên tiền giấy đó. Tiền giấy không có giá trị thực, bản thân nó không thể đảm bảo giá trị cho chính nó, nên việc phát hành ra quá nhiều tiền giấy mà không có căn cứ, không có vật đối chứng đảm bảo giá trị cho nó, thì sẽ gây ra lạm phát.

Sự khác nhau giữa tiền giấy và tiền vàng, bạc có thể tóm tắt như sau:
– Khác nhau về thời gian hình thành: Tiền vàng, bạc có trước, tiền giấy có sau.
– Khác nhau về chất liệu cấu thành: tiền vàng, bạc thì được làm bằng chất liệu vàng, bạc, còn tiền giấy thì được làm bằng chất liệu chủ yếu là giấy.
– Khác nhau về bản chất: Tiền vàng, bạc là loại hàng hoá đặc biệt, còn tiền giấy là loại tem phiếu đặc biệt, loại giấy nợ đặc biệt.
- Khác nhau về vật bảo đảm giá trị: đối với tiền kim lọai vàng, bạc thì vật đảm bảo giá trị là chính bản thân vàng bạc tạo nên đồng tiền, còn đối với tiền giấy thì vật đảm bảo giá trị nằm ở bên ngòai bản thân đồng tiền.
- Khác nhau về kết quả phát hành: phát hành tiền vàng, bạc bao nhiêu cũng được vẫn không gây ra lạm phát, còn lạm dụng phát hành tiền giấy ra quá nhiều thì sẽ gây ra lạm phát.

Trên đây chúng ta nói về sự khác biệt giữa tiền vàng, bạc với tiền giấy. Còn các dạng khác như bút tệ, tiền điện tử, ngân phiếu,… cũng được xem là các dạng khác của tiền tệ để thay thế cho tiền giấy/tiền vàng bạc, nó cũng còn được xem là các công cụ thanh tóan để giúp cho sự chuyển trả tiền, thanh tóan công nợ bằng tiền của mọi người cho nhau được an toàn, nhanh chóng, và thuận tiện hơn.
Thân.

6. Thomas Nguyen - 11/01/2011

Cảm ơn anh Dũng rất nhiều.

7. NGUYỄN - 11/01/2011

Tôi có đọc qua một tài liệu có đề cập đến quy luật lưu thông tiền tệ. Trong tài liệu này có đoạn viết “Công dân không nên giữ tiền mặt nhiều mà nên tích cực gửi tiết kiệm vào ngân hàng góp phần làm tăng mức lưu thông tiền tệ, hạn chế lạm phát, vừa ích nước lợi nhà” Vậy bạn có thể giúp tôi giải thích điều này được không?

nguyencaodung - 27/01/2011

Chào bạn Nguyễn,
Điều đó có thể được giải thích như sau:
1- Tích cực gửi tiền vào ngân hàng góp phần tăng mức lưu thông tiền tệ, vừa ích nước vừa lợi nhà:
Ngân hàng tiết kiệm là tổ chức trung gian tín dụng, vừa là người đi vay vừa là người cho vay, đi vay để cho vay. Gửi tiền vào ngân hàng, người gửi sẽ được hưởng lãi suất tiền gởi, đồng thời sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn để cho các tổ chức, cá nhân khác vay để tiêu dùng hay phát triển sản xuất, xây dựng cơ bản, dịch vụ,… Từ đó làm tăng tốc độ quay của đồng tiền, cũng tức là làm tăng tốc độ tiêu thụ hàng hoá, kích thích sản xuất cũng như toàn bộ nền kinh tế phát triển. Vì vậy việc tích cực gởi tiền vào ngân hàng của bạn sẽ giúp ích cho chính bạn, cho những người khác, cho xã hội cũng như cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
2- Công dân không nên giữ tiền mặt nhiều mà nên tích cực gửi tiết kiệm vào ngân hàng góp phần làm hạn chế lạm phát:
Cho đến nay, lạm phát vẫn là mối đe dọa thường xuyên đối với sự phát triển của nền kinh tế các nước trên thế giới. Tại các nước trên thế giới, tiền tệ (tiền giấy) được đưa vào lưu thông, đồng tiền được tự do lưu thông trong xã hội nhưng dòng tiền không bị kiểm soát, nên lạm phát không chỉ là do việc phát hành đưa ra quá nhiều tiền vào lưu thông mà còn phụ thuộc vào tốc độ lưu thông/vòng quay của đồng tiền. Mà tốc độ lưu thông/vòng quay của đồng tiền phụ thuộc quan trọng vào tâm lý của người dân.

Trong thời kỳ lạm phát cao, tâm lý người dân rất không ổn định. Tâm lý của người dân, niềm tin của người dân vào giá trị đồng tiền càng giảm xuống thì tốc độ lưu thông/vòng quay của đồng tiền càng tăng lên, khuếch đại lên làm cho lạm phát tăng lên nhanh chóng. Do giá cả hàng hoá tăng lên liên tục, đồng tiền bị mất giá liên tục, người dân không còn niềm tin vào giá trị đồng tiền, không còn muốn giữ tiền mặt trong tay hay gửi ngân hàng mà chỉ muốn chuyển nó ngay thành hàng hoá (hay vàng, ngoại tệ, bất động sản,…) với mong muốn để giảm thiệt hại và để tự bảo vệ lợi ích kinh tế (nguồn sống) cho chính mình.

Tốc độ lưu thông/vòng quay của đồng tiền bị tâm lý người dân (do lo sợ sự mất giá của đồng tiền) khuếch đại làm tăng lên rất nhanh, làm cho hàng hoá ngày càng nhanh chóng trở nên khan hiếm, càng làm cho lạm phát phi mã tăng lên rất nhanh. Lạm phát lúc này tăng lên nhanh là do tâm lý người dân mà điểm khởi phát ban đầu là do trước đó tiền giấy đã được phát hành đưa ra quá nhiều vào lưu thông gây ra.

Trong thời kỳ lạm phát, ngân hàng phải tăng lãi suất (lãi suất cần phải cao hơn tỷ lệ lạm phát) để thu hút tiền vào ngân hàng, để giữ tiền lại tại ngân hàng, kìm hãm tốc độ lưu thông/vòng quay của đồng tiền, ổn định tâm lý người dân, giảm áp lực/sức ép của tiền tệ lên hàng hoá, từ đó kìm chế, hạn chế được việc tăng giá cả hàng hoá, hạn chế lạm phát.

Vì vậy, công dân không nên giữ tiền mặt nhiều mà nên tích cực gửi tiết kiệm vào ngân hàng để góp phần hạn chế lạm phát.

3- Tiền được gửi vào ngân hàng (hay mua công trái, trái phiếu) sau đó sẽ được dùng để tiêu xài, đầu tư, nhưng có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn, dự án đầu tư có thể bị thất bại, không hiệu quả. Có dự án này thành công, dự án khác không thành công. Nhưng điều quan trọng là nhờ có nguồn tiền gửi ngân hàng hay mua công trái, trái phiếu của người dân mà Chính phủ và xã hội sẽ có nguồn vốn để đầu tư. Nhờ vậy Chính phủ sẽ không cần phải in tiền ra để đầu tư hoặc cho vay để đầu tư. Nhờ đó (không in tiền ra để đầu tư, tiêu xài) mà không gây ra lạm phát.

Việc gửi tiền vào ngân hàng (hay mua công trái, trái phiếu) của người dân vì vậy vẫn luôn có ý nghĩa trong việc góp phần hạn chế lạm phát.

Thân.

8. ngaymai - 12/01/2011

Em là sinh viên năm nhất và chuẩn bị học môn tài chính tiền tệ nhưng khi đọc giáo trình em rất mơ hồ về tiền tệ. Khi đọc bài này, em có một thắc mắc là tem phiếu có phải là một loại tiền tệ không? Mong mọi người giải đáp.

nguyencaodung - 27/01/2011

Chào em,

Trong quá trình hình thành và phát triển tiền giấy, ban đầu tiền vàng, bạc được thay thế bằng các giấy biên nhận/chứng nhận (gold certificate, silver certificate) do các ngân hàng nhận ký gửi vàng, bạc phát hành, và nó được đưa cho những người ký gửi vàng, bạc. Dùng các giấy biên nhận/chứng nhận này, người sở hữu nó có thể mua đổi lấy những sản phẩm hàng hoá khác mà mình cần.

Khi muốn nhận lại vàng, bạc, những người ký gửi đó sẽ đưa trả lại các biên nhận/chứng nhận đó cho ngân hàng và ngân hàng sẽ trả lại vàng, bạc cho họ đúng theo số lượng vàng, bạc ghi trên biên nhận/chứng nhận đó, sau đó các giấy biên nhận/chứng nhận đó sẽ bị huỷ đi.

Như vậy, những tờ biên nhận/chứng nhận đó có công dụng và được sử dụng giống như một loại tem phiếu của vàng, bạc và do ngân hàng phát hành. Các tờ biên nhận/chứng nhận đó đồng dạng với tem phiếu, là một dạng khác của tem phiếu được mở rộng hơn, có nhiều chi tiết hơn và do ngân hàng phát hành. Sau khi người ký gửi nhận lại được vàng, bạc thì các tem phiếu đó, các biên nhận/chứng nhận đó được thu hồi về và bị huỷ đi.

Theo thời gian, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc chi trả số tiền vàng bạc được ký gửi, các tem phiếu đó, các biên nhận/chứng nhận của vàng, bạc đó đã được giản lược hoá, đơn giản hoá và cải tiến. Nó không còn được ghi tên, số chứng minh thư, địa chỉ,…của người ký gửi vàng bạc. Nó không còn được ghi rõ số lượng vàng, bạc được ký gởi, thay vào đó nó được chuẩn hoá việc ghi các con số giá trị. Nó có khả năng đổi ra vàng, bạc một cách tự do tại các ngân hàng phát hành, với hàm lượng tương ứng với các con số giá trị được ghi trên đó. Quá trình giản lược hoá và cải tiến này đã được diễn ra trong một thời gian dài, và từ đó nó trở thành có dạng giống như tiền giấy ngày nay.

Và các loại tem phiếu đó, các biên nhận/chứng nhận ký gửi vàng, bạc do ngân hàng phát hành trước đó được xem như là các dạng sơ khai ban đầu của tiền giấy.

Nhìn rộng hơn, các loại tem phiếu được sử dung trong nền kinh tế kế hoạch hoá bao cấp trước đây, các loại tem phiếu đó đã được cải tiến và thống nhất trở thành một loại tem phiếu đặc biệt- là tiền giấy. Vì vậy các loại tem phiếu đó hoàn toàn có thể được xem như là các dạng sơ khai ban đầu của tiền giấy.

Tóm lại, tem phiếu còn có ở các dạng khác như các giấy biên nhận/chứng nhận ký gửi vàng, bạc do ngân hàng phát hành. Tem phiếu là dạng sơ khai ban đầu của tiền giấy, nó có trước tiền giấy nhưng nó không phải, chưa phải là tiền giấy. Phải sau một quá trình giản lược hoá, cải tiến cả về hình thức bên ngoài lẫn bản chất nội dung- có được khái niệm giá trị bên trong, thì nó mới trở thành tiền giấy được.
Thân.

9. nguyên - 18/03/2011

Chào anh Dũng !
Tiền Việt Nam mình lạm phát do in nhiều tiền mà không có vàng tượng trưng cho số tiền đó ! mà vàng là khoáng sản của một quốc gia ! Vậy em xin hỏi ở Trung Quốc khoáng sản bao la , mà vẫn lạm phát ! Còn Singapore thì đất nước nhỏ bé ít tài nguyên nhưng giá trị tiền tệ cao ! Hy vọng sớm nhận được câu trả lời.

nguyencaodung - 22/03/2011

Chào bạn Nguyên,
Vấn đề lạm phát của một đất nước không cần phải phụ thuộc vào việc đất nước đó có nhiều tài nguyên khoáng sản vàng, bạc,… hay không. Như Singapore, Nhật bản,…, tuy là một đất nước nhỏ, không có nhiều tài nguyên khoáng sản nhưng là một nước giàu có, họ ít khi bị thâm hụt ngân sách. Chính phủ họ không có/hiếm khi có ý nghĩ sẽ in tiền để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Chỉ cần không in tiền ra để tiêu xài– chỉ nội điều đó thôi cũng đã cứu giúp cho họ hạn chế và giảm được rất nhiều sự ảnh hưởng của lạm phát đối với nền kinh tế của đất nước họ rồi.
Đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào, dù đất nước đó nhỏ hay lớn, cũng đều có thể trở thành một đồng tiền (ngoại tệ) mạnh, miễn rằng đồng tiền của đất nước đó chỉ được in ra đưa vào lưu thông chỉ với mục đích duy nhất là để TIỀN làm chức năng phương tiện trao đổi, giúp cho sự trao đổi mua bán hàng hoá, ngoài ra không được lợi dụng sử dụng nguồn tiền phát hành cho bất cứ mục đích nào khác.
Tiền phát hành ra chỉ nên được đưa vào lưu thông thông qua kênh cho các doanh nghiệp thương mại vay- để tiền thực hiện chức năng trao đổi hàng hoá, giúp cho sự mua bán, trao đổi hàng hoá của mọi người trong xã hội.
Không được lợi dụng dùng trực tiếp nguồn tiền phát hành để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng,… Mà cần phải dùng nguồn tiền gián tiếp (sau khi được đưa vào lưu thông từ các DNTM) để phát triển sản xuất, bù đắp cho ngân sách, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng,…để luôn đảm bảo sự cân đối Tiền- Hàng, giữ vững và ổn định giá trị đồng tiền.

Chỉ cần tuân thủ theo cách thức đơn giản như vậy thôi là sẽ thành công, giá trị đồng tiền quốc gia sẽ được giữ vững, ổn định và sẽ trở thành đồng tiền (ngoại tệ) mạnh, có giá trị vững chắc không thua kém bất cứ đồng tiền nào khác trên thế giới. Không nhất thiết phải là đồng tiền của quốc gia lớn, có nhiều tài nguyên khoán sản, thì mới có thể trở thành đồng tiền (ngoại tệ) mạnh được.
Thân.

10. Hoài - 15/08/2011

Bài viết thật tuyệt quá, cảm ơn bạn nhiều!

11. Anh Thoa - 22/09/2011

chào anh Dũng!
e đã đọc được nhiều bài viết của anh, nó rất hay va bổ ích cho việc hoc của em.
e đang làm một bai tiểu luận đề tài là: tiền giấy có thưc hiện được chức năng cất trữ không. A có thể gợi ý ch em một vai ý mà e nen viết ko, hoặc giới thiệu giúp e một vài trang web có liên quan thi càng hay.
mong a hay trả lời sớm giúp e.

12. Tiền tệ - 25/09/2011

Mình muốn biết Tiền giấy có thực hiện được chức năng cất trữ hay không ?

nguyencaodung - 02/10/2011

Chào các bạn,
Như bạn đã biết, mục đích của việc đưa tiền (tiền giấy) vào lưu thông trong xã hội là để tiền làm vật trung gian giúp cho sự trao đổi hàng hóa của mọi người cho nhau được dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện thông qua các hoạt động mua bán trên thị trường, và qua đó sẽ giúp cho sự hoạt động, tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Ở đây bạn cũng cần lưu ý rằng nền kinh tế tăng trưởng và phát triển là hệ quả (chứ không phải là mục đích) của việc đưa tiền vào lưu thông.

Dùng tiền (tiền giấy) làm vật trung gian giúp cho sự trao đổi, trước hết mọi người sẽ đem hàng hóa (hay dịch vụ) mà mình có để bán đổi lấy tiền, sau đó mọi người sẽ dùng số tiền vừa có được đó để mua đổi lấy hàng hóa (hay dịch vụ) khác mà mình cần. Hai quá trình bán và mua đó diễn ra tuần tự riêng biệt nhau, cách nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian cách nhau giữa việc bán và mua đó chính là khoảng thời gian cất trữ và lưu thông của tiền giấy. Mọi người cất trữ tiền giấy cũng tức là mọi người tạm thời chưa muốn dùng tiền giấy để đổi lấy hàng hóa (hay dịch vụ) mà họ chưa thật sự cần.
Tiền giấy là một loại tem phiếu đặc biệt, một loại giấy nợ đặc biệt của xã hội (các DNTM) đối với những người sở hữu nó. Mọi người cất trữ tiền giấy cũng là một cách thức gián tiếp để cất trữ hàng hóa, của cải, tài sản tạm thời chưa dùng đến của mình; và những hàng hóa, của cải, tài sản này đang được các DNTM tạm thời cất trữ và giữ hộ cho những người đang sở hữu, nắm giữ tiền giấy.
Trong ngắn hạn, tiền giấy vẫn luôn có khả năng thực hiện được chức năng cất trữ nếu như người dân vẫn có được niềm tin và tin tưởng vào giá trị (sức mua) của nó.
Trong dài hạn, nếu tiền giấy bị lạm dụng phát hành ra để tiêu xài hoặc cho vay để tiêu xài, thì sẽ dẫn đến lạm phát, giá cả hàng hóa tăng lên, giá trị sức mua của tiền giấy sẽ bị sứt mẻ và giảm sút. Do bị thiệt hại vì giá trị sức mua của tiền giấy bị giảm sút, người dân sẽ không còn muốn cất trữ tiền giấy trong dài hạn nữa mà họ sẽ chuyển tiền giấy sang thành các loại tài sản khác có giá trị bền vững hơn theo thời gian như vàng, bạc, bất động sản,….
Tóm lại, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, nếu tiền giấy được phát hành ra và đưa vào lưu thông chỉ với mục đích duy nhất là để tiền giấy làm vật trung gian trao đổi, giúp cho sự trao đổi hàng hóa của mọi người cho nhau trong xã hội, không lạm dụng phát hành tiền giấy ra để tiêu xài hoặc cho vay để tiêu xài, thì tiền giấy sẽ vẫn luôn có được khả năng thực hiện chức năng cất trữ một cách ổn định, lâu dài và bền vững, túi tiền của người dân sẽ không bị suy giảm giá trị sức mua theo thời gian.
Thân.

13. dau tu - 05/12/2011

chào anh Dũng.
em đã có thêm nhiều bổ ích về các bài viết của anh xin cam ơn anh nhiều. nhưng em vẫn còn it thắc mắc về việc phát hành tiền để mục đích đầu tư sản xuất và cơ sở hạ tầng là sai mục tiêu hoặc tiền chỉ sử dụng trong phương tiện trao đổi. vây lấy vốn từ đâu để đi đầu tư và tiêu sài. rất mong nhận được câu trả lời sớm.
thân ái.

nguyencaodung - 07/12/2011

Chào bạn Dau Tu,
Để triệt tiêu lạm phát thì nguồn tiền để đầu tư và tiêu xài cần phải được lấy từ nguồn tiền thu nhập của xã hội, từ nguồn tiền thu được sau khi các doanh nghiệp bán được hàng hóa (hay dịch vụ) của mình cho các DNTM và cho xã hội. Nguồn tiền thu được này sau đó sẽ được các doanh nghiệp phân phối lại cho mọi người trong xã hội thông qua việc nộp thuế cho ngân sách, chi trả lương cho người lao động, phân chia lại thu nhập cho những người cùng hợp tác tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, và chi tiêu tiếp tục cho quá trình tái sản xuất và đầu tư.
Không được lợi dụng dùng trực tiếp nguồn tiền phát hành để đầu tư và tiêu xài (hoặc để cho vay đầu tư, tiêu xài) để không gây ra sự mất cân đối Tiền- Hàng trong nền kinh tế để không gây ra lạm phát, không làm tổn hại đến túi tiền người tiêu dùng trong xã hội.
Tiền phát hành ra chỉ nên được bơm vào lưu thông thông qua kênh cho các DNTM vay để tiền giúp cho sự mua bán, trao đổi hàng hoá của mọi người trong xã hội, không gây ra lạm phát. Có được tiền, các DNTM sẽ mua hàng hoá và trả tiền ngay cho bất cứ ai có để bán cho mình, miễn là những hàng hoá đó có khả năng bán được, tiêu thụ được trên thị trường. Từ đó tiền được đưa vào lưu thông và bắt đầu lan ra khắp xã hội. Nguồn tiền này luôn đối ứng với giá trị khối lượng vật tư, hàng hóa mà các DNTM mua vào nên không gây ra lạm phát.
Sau khi bán được hàng hóa cho các DNTM và thu ngay được tiền, đó chính là nguồn tiền để các doanh nghiệp sản xuất dùng để chi tiêu cho quá trình tái sản xuất kế tiếp của mình, chi đầu tư phát triển sản xuất, nộp thuế cho ngân sách, chi trả lương cho người lao động, và phân chia thu nhập cho những người cùng hợp tác tạo ra những sản phẩm đó.
Nếu được tiêu xài trong lĩnh vực dịch vụ với các sản phẩm mang giá trị tinh thần như văn hoá, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, du lịch,… hoặc các lĩnh vực dịch vụ khác như chi trả tiền điện, điện thoại, giao thông vận tải, bảo hiểm,… thì tiền sẽ được tiếp tục lưu thông trong xã hội, và tiền sẽ được tái phân phối cho các thành viên của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đó.
Tiền từ các DNTM đến được với các thành viên trong xã hội, toàn xã hội (các doanh nghiệp, ngân sách Chính phủ, các tổ chức và cá nhân người lao động,…) sẽ có được nguồn thu nhập bằng tiền một cách chính đáng từ sức lao động của chính mình để chi tiêu dùng cho tổ chức, cá nhân và gia đình, chi tiêu dùng cho nhu cầu tái sản xuất, chi đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ bản, phát triển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các công trình công cộng,…
Nếu được dùng để mua sắm vật tư hàng hóa để đầu tư hoặc tiêu xài, thì tiền sẽ được quay về các DNTM. Tiền được quay về và thu lại tại các DNTM, nó kết thúc dòng chu chuyển của mình trong xã hội và chuẩn bị cho dòng chu chuyển tiếp theo nhờ vào các hoạt động mua bán không ngừng của các DNTM trong xã hội. Kế đó, khi các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục bán được hàng hóa cho các DNTM thì tiền từ các DNTM sẽ được đưa trở lại vào lưu thông, xã hội sẽ tiếp tục có được nguồn tiền để đầu tư, tiêu xài. Và dòng chu chuyển của tiền tệ cứ thế thay phiên nhau tiếp diễn trong xã hội.
Thân.

14. Thanh Long - 05/01/2012

em chao anh!
Trong che do tien te khong chuyen doi ra vang co ban vi la suc mua hang hoa dich vu thi co khac gi so voi tien giay bat kha hoan khong a. Neu co thi hai cai dinh nghia nay co gi khac nhau.
Cam on anh

nguyencaodung - 10/01/2012

Chào bạn Thanh Long,
Như bạn đã biết, tiền giấy bản vị vàng là loại tiền giấy thay thế cho tiền bằng vàng mà người ta ký‎ gửi [tiền bằng vàng] tại ngân hàng. Người có loại tiền giấy này có thể đến nơi tiền giấy được đưa vào lưu thông (ngân hàng phát hành) để đổi lấy một số lượng vàng có giá trị tương ứng với con số giá trị ghi trên tờ tiền giấy vào bất cứ lúc nào họ cần. Chế độ tiền giấy bản vị vàng là hàng rào chống lại lạm phát, nó ngăn cản không cho phép Chính phủ tùy tiện in tiền giấy.
Nay mở rộng hơn, chúng ta sẽ mở rộng phát triển chế độ tiền giấy bản vị hàng hóa vàng thành chế độ tiền giấy bản vị hàng hóa chung (bản vị hàng hóa vàng mở rộng) cho tất cả các loại hàng hóa có trên thị trường (trong đó có vàng). Chúng ta sẽ lấy tất các loại hàng hóa có trên thị trường (trong đó có vàng) làm cơ sở cho tiền tệ, làm cơ sở cho việc đưa tiền vào lưu thông. Theo chế độ tiền giấy bản vị hàng hóa chung này, người có loại tiền này đều có thể đến nơi tiền được đưa vào lưu thông (các DNTM) để đổi ra hàng hóa có giá trị tương ứng với con số giá trị ghi trên tờ tiền giấy vào bất cứ lúc nào họ cần.
Vàng là một loại kim loại quý, hiếm và không có nhiều trong xã hội. Trong khi đó, dân số trong xã hội ngày càng tăng, nền kinh tế ngày càng phát triển, hàng hóa sản xuất ra ngày càng nhiều và đa dạng, do đó đòi hỏi tiền- phương tiện vật trung gian trao đổi- cũng cần phải có ngày càng nhiều để phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hóa của mọi người cho nhau trong xã hội. Nhưng vàng lại không có nhiều, nên chế độ tiền giấy khả hoán bản vị vàng không thể đảm bảo có đủ số lượng tiền cần thiết trong lưu thông. Do đó nó đã gây ra sự thiếu tiền, thiếu phương tiện trao đổi hàng hóa, gây ứ đọng hàng hóa, ách tắc trong quá trình lưu thông trao đổi hàng hóa, dẫn đến đình đốn sản xuất, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, gây ra suy thoái và khủng hoảng nền kinh tế.
Chế độ tiền giấy bản vị hàng hoá chung sẽ khắc phục được nhược điểm trên của chế độ bản vị [hàng hóa] vàng, tiền tệ- phương tiện trung gian trao đổi- sẽ không còn bị thiếu tiền trong lưu thông. Nhờ đó việc trao đổi hàng hóa của mọi người cho nhau trong xã hội sẽ được dễ dàng, nhanh chóng, thông suốt, và không còn bị ách tắc. Hàng hóa sản xuất ra sẽ không còn bị ứ đọng do bị tình trạng thiếu tiền trong lưu thông (thiếu tính thanh khoản- mọi người đều có nhu cầu về các loại hàng hóa có trên thị trường nhưng lại không có tiền để mua), nền sản xuất sẽ không còn bị ngưng trệ và đình đốn. Chế độ tiền giấy bản vị hàng hoá chung này sẽ giúp phòng tránh và ngăn ngừa các cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế.
Tiền giấy bản vị hàng hóa chung này là loại tiền giấy khả hoán [hàng hóa], nó có khả năng hoán đổi tiền giấy ra thành hàng hóa vào bất cứ lúc nào tại nơi nó được đưa vào lưu thông (các DNTM). Nó không phải là loại tiền giấy bất khả hoán. Nó luôn có được hàng hóa tại nơi nó được đưa vào lưu thông (các DNTM) làm vật đối ứng đảm bảo giá trị đồng tiền. Cũng giống như chế độ bản vị [hàng hóa] vàng, chế độ bản vị hàng hóa chung này là hàng rào chống lại lạm phát, nó ngăn chặn không cho phép Chính phủ tùy tiện in tiền giấy ra để đầu tư, tiêu xài hoặc cho vay để đầu tư, tiêu xài, do đó sẽ không gây ra lạm phát.
Trong khi đó, tiền giấy bất khả hoán là loại tiền giấy bị cưỡng bức bắt buộc lưu hành, dân chúng không thể đem tiền giấy đến nơi nó được đưa vào lưu thông (ngân hàng trung ương- ngân hàng phát hành và đưa tiền vào lưu thông) để đổi lấy vàng hay bạc hay một loại hàng hóa nào khác. Tiền giấy bất khả hoán không có được sự đảm bảo giá trị bằng vàng, bạc hay bất cứ một loại hàng hóa nào khác tại nơi nó được đưa vào lưu thông.
Chế độ tiền giấy bất khả hoán không ngăn chặn được việc Chính phủ chủ quan (dẫn đến tùy tiện) in tiền ra để đầu tư, tiêu xài hoặc cho vay để đầu tư, tiêu xài, do đó đã gây ra lạm phát. Chính chế độ tiền giấy bất khả hoán (các nước trên thế giới hiện đang sử dụng) là nơi khởi nguồn sản sinh ra lạm phát, sản sinh ra sự bấp bênh, bất ổn định, gây tâm lý bất an, rối loạn, và làm khủng hoảng nền kinh tế tài chính tiền tệ trong phạm vi của từng quốc gia, khu vực, cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Thân.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: